Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Hãy can đảm để là chính mình - "The Danish Girl"

The Danish Girl đã làm được một điều tuyệt vời khi chiếm được cảm tình của lượng lớn người xem. Ngoài phần hình ảnh được đầu tư thì bộ phim còn ghi điểm ở những phân đoạn giàu cảm xúc. Khép lại hành trình của Lili Elbe, điều mà đọng lại trong người xem là sự dũng cảm của Einar Wegener khi dám đấu tranh để được là sống thật với giới tính của mình trước sự kỳ thị trong xã hội và tình yêu vị tha nhất lịch sử điện ảnh mà Alicia Vikander dành cho chồng mình. Một tình yêu không được xác định bởi giới tính, thể xác , xu hướng tình dục mà là bởi tâm hồn. Dường như tình yêu đã trở về cái hình dạng ban đầu của nó: Sự liên kết giữa 2 tâm hồn con người.






Nội dung phim lấy cảm hứng từ cuốn sách có thật "The Danish Girl" của David Ebershoff

Tuy nhiên, từ câu chuyện đời thực lên màn ảnh, tác giả của The King’s Speech đã chuyển hoá những biến cố chấn động trong cuộc đời Einar Wegener thành những tiểu tiết rất đỗi đời thường. The Danish Girl kể lại những điều mà nhiều người đã biết, nhưng đủ lôi cuốn khán giả vào cảm xúc dung dị của nhân vật trên chuyến hành trình đi tìm bản thân.
Lili- Con người thật của Einar  

Chi tiết đáng chú ý mở màn cho bộ phim là khi Einar xỏ chân vào đôi tất mỏng của cô người mẫu vắng mặt. Lúc ấy, Gerda Wegener - vợ của Einar, nhờ anh làm mẫu vẽ để cô hoàn thành nốt bức họa còn dang dở. Những run rẩy đầu tiên bắt đầu từ đó: Einar ướm lên mình chiếc váy khiêu vũ lộng lẫy lên thân hình gầy guộc. Từng ngón tay anh cứ thế chậm rãi mân mê dưới lớp tất mỏng. Có điều gì đó đã vĩnh viễn thay đổi kể từ khoảnh khắc ấy.

Einar và Gerda Wegener là đôi vợ chồng hoạ sĩ người Đan Mạch, trải qua cuộc hôn nhân 6 năm mà vẫn chưa có con. Khi quyết định hóa trang làm phụ nữ để đi dự tiệc cùng vợ, Einar nhận ra trong trái tim mình còn tồn tại một nhân cách khác.

Hành trình tìm lại bản thể từ những bức tranh

Thay vì là một câu chuyện tình, The Danish Girl  lại truyền tải thông điệp bằng những bức tranh. Hai người nghệ sĩ, hai vợ chồng thuộc hai trường phái trái ngược, lấy cảm hứng hứng từ hai chất liệu riêng biệt trong cuộc sống. Một người với những nỗi hoang mang bất tận chưa có lời giải đáp về những bí ẩn nằm sâu trong cơ thể mình, cùng với một người tràn đầy nhiệt huyết luôn tự tin vào tất cả những cảm nhận của bản thân, chỉ trong một buổi chiều định mệnh đã khiến họ rơi vào tình huống không thể cứu vãn: một người chấp nhận đi theo tiếng gọi của tâm hồn, còn một người thì chấp nhận gánh lấy đau thương.

Lili và Gerda
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như buổi chiều hôm đó chàng họa sĩ Einar Wegener không đồng ý với lời đề nghị của Gerda là chấp nhận hóa trang thành mẫu nữ để nàng vẽ tranh? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như liên tiếp những chuỗi ngày sau đó Einar không quyết tâm đi theo tiếng gọi của tâm hồn mình để tìm lại chính mình? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Gerda không giàu lòng vị tha mà chấp nhận hy sinh?... Thật khó có thể trả lời những câu hỏi này một cách trọn vẹn, cũng như thật không dám chắc nếu không có những tình huống như thế thì câu chuyện có khác đi không, hay vẫn sẽ diễn ra theo một cách khác, nhưng hành trình để một chàng trai quyết tâm trở thành cô gái trong The Danish Girl thì vẫn luôn chờ đợi ở đó, như hình ảnh chiếc khăn bay lên không trung trong cảnh phim cuối cùng với thông điêp muốn nói: Cái gì của tự nhiên thì cũng sẽ trở về tới tự nhiên.

Xuyên suốt bộ phim là cả một hành trình dài chuyển mình dữ dội của cơ thể, của cảm xúc, của tâm hồn và lý trí của cả Einar và Gerda trong việc đi đến quyết định cuối cùng là cuộc đại giải phẫu "Là chính mình". Sự hóa thân không thể trọn vẹn hơn của hai nhân vật chính Einar (song song đó là Lili) và Gerda đã mang đến cho khán giả những rung động thật sâu sắc. Đó là một cảm giác vô cùng mới mẻ khi lần đầu tiên Einar được khoác lên mình bộ váy mềm mại, hay như niềm sung sướng khó diễn tả của anh khi được tự do với cảm xúc của chính mình, được nghe theo tiếng gọi của chính con tim mình. Thêm nữa, đó còn là sự dằn vặt, nỗi hoang mang, lúng túng dè dặt và cả lòng khao khát, chưa kể còn là lòng can đảm vượt lên trên mọi định kiến, mọi khoa học khi nhận ra thế giới chính xác mà mình thuộc về...

Tình yêu vị tha nhất trong lịch sử điện ảnh

Tất cả những bước chuyển mình đau đớn như thế của Einar đã được tiếp thêm sức mạnh bởi sự hy sinh đầy nước mắt của cô gái nhỏ nhắn nhưng giàu nghị lực, bản lĩnh, quyết liệt và chất chứa nhiều cảm xúc dồn nén Gerda. Chính cô đã vẽ nên bức tranh chồng mình, và cũng chính cô đã pha thêm vào bức chân dung ấy nét màu buồn thảm.


Việc phát hiện ra chồng mình là người chuyển giới sau một thời gian dài hạnh phúc có thể khiến cho bất kỳ người phụ nữ nào phát điên. Gerda Gottlieb cũng thế. Tuy nhiên, khác với họ, cô đã vượt qua trở ngại tâm lý và quyết định sánh vai cùng người bạn đời của mình,luôn ở bên chăm sóc, tiếp thêm động lực cho Einar được là chính mình, cũng là khi mà cô mất dần người chồng mình yêu thương nhất. Lựa chọn của Gerda như là một câu trả lời cho câu hỏi: người ta có thể vị tha và hy sinh nhiều thế đến nào cho tình yêu. 




Tình yêu nguyên bản-  Sự liên kết giữa 2 tâm hồn con người.
Lòng bao dung mà cô dành cho Lili Elbe chính là một trong những điểm sáng giá nhất của bộ phim. Khán giả tội nghiệp cho Gerda rồi lại dần dành tình cảm cho cô, đôi khi vượt qua cả Lili Elbe. K

Kết luận: 

Sẽ là sáo mòn nếu như cứ lặp đi lặp lại thông điệp "Find the courage to be yourself" (Can đảm để là chính mình) mà bộ phim muốn chuyển tải, tuy nhiên, để sẵn sàng từ bỏ "biểu tượng vĩ đại" của giới tính nam và tìm lại chính mình, được trở về với bản nguyên, với con người thật mà tạo hóa vốn đã dành cho mình là bản tính nữ như chàng họa sĩ Einar Wegener, thì đó chính là một sự lặp lại xứng đáng. Bởi trên hết, hãy tin tưởng vào giấc mơ của mình, như giấc mơ mà Lili Elbe đã mơ trong suốt quá trình thực hiện cuộc đại phẫu của đời mình. “Chúng ta chỉ sống một lần trong đời. Hãy can đảm để là chính mình"!

2 nhận xét:

  1. liệu có đúng hay ko khi ta chỉ sống vì bản thân vì sống đúng với con người có phải chăng để người ta yêu đau khổ

    Trả lờiXóa

Cảm ơn bạn đã nhận xét